Cần có định hướng linh hoạt cho việc chuyển đổi cây công nghiệp kém giá trị sang cây ăn quả ở Tây Nguyên. Không cứ nhất thiết phải trồng cà phê, hồ tiêu, cao su, khi mà giá quá rẻ.
Phát biểu tại hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp năm 2019, triển khai công tác năm 2020, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) đánh giá: Những năm qua, sự quan tâm toàn diện của hệ thống chính trị, lão đạo Đảng, Chính phủ là động lực cho doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa.
Theo ông Khuê, hiện nay, cùng với việc liên kết với một nhà máy chế biến nông sản tại Bắc Giang, DOVECO đã đầu tư và đi vào hoạt động nhà máy chế biến rau quả tại tỉnh Gia Lai. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy tại Gia Lai đã hoạt động liên tục, chưa nghỉ ngày nào.
Điều này đã tạo ra mối gắn bó rất mật thiết, được sự ủng hộ liên kết chặt chẽ với nông dân, HTX tại các vùng nguyên liệu ở Gia Lai nói riêng cũng như các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Hiện tại, DOVECO đang xúc tiến đầu tư nhà máy chế biến rau quả thứ 2 tại Gia Lai, dự kiến có thể khánh thành và đi vào hoạt động từ cuối năm 2020.
Ông Đinh Cao Khuê phát biểu tại hội nghị. |
Trong tổ chức sản xuất, với sự hỗ trợ của các đơn vị Bộ NN-PTNT, các viện nghiên cứu, DOVECO cũng như các doanh nghiệp rau quả khác từ chỗ phải phụ thuộc vào nhập khẩu giống chanh leo từ Đài Loan với giá cả vô cùng đắt đỏ, hiện đã chủ động được hoàn toàn nguồn giống phục vụ phát triển vùng nguyên liệu (ước giá thành giống giảm 50% so với trước đây).
Theo ông Khuê, tương lai của ngành rau quả Việt Nam hiện nay vẫn còn vô cùng lớn. Tiềm năng chuối của Việt Nam có thể xuất khẩu 1 tỉ USD, dư địa rất lớn.
Vừa qua, việc Nhật Bản cho phép nhập khẩu quả vải từ Việt Nam cũng sẽ mở ra triển vọng xuất khẩu lớn ở thị trường này do rất được ưa chuộng. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là thị trường rất rộng mở về rau như rau chân vịt, đậu tương rau… Bên cạnh đó, thị trường EU, Mỹ, nhất là Trung Quốc vẫn còn dư địa vô cùng lớn, giá trị cao.
Tuy nhiên, ngành rau quả Việt Nam hiện nay nói riêng cũng đã và đang phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác trên thị trường quốc tế. Chanh leo Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất thế giới song đang phải cạnh tranh quyết liệt với chanh leo Ecuador, Peru…; chuối Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với chuối Philippines…
Trồng dứa nguyên liệu chế biến của DOVECO tại Tam Điệp (Ninh Bình). |
Vì thế, để khai thác hết tiềm năng, dư địa thị trường xuất khẩu rau quả, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương cần tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong ngành rau quả trong hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp tục tham gia hội chợ lớn tại các thị trường tiềm năng. Các gian hàng của doanh nghiệp rau quả Việt Nam cần phải được hỗ trợ để bố trí bề thế, đủ tầm vóc nhằm thu hút, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng…
Bên cạnh đó, khâu mở cửa, đàm phán thị trường sẽ cần phải tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, nhất là thị trường Trung Quốc. Bởi Trung Quốc vẫn sẽ là một thị trường lợi thế nhất, khổng lồ nhất đối với ngành rau quả Việt Nam, nên sớm muộn chúng ta vẫn phải đi vào xuất khẩu một cách bài bản, chính ngạch…
Cùng với việc đầu tư, mở rộng của nhiều nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu, hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sản xuất, chế biến ngày càng lớn.
Vì vậy, các trường đại học, viện nghiên cứu cần tiếp tục có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp, nhất là trong khâu nghiên cứu giống, tiến bộ về canh tác, chế biến…
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (phải) và ông Đinh Cao Khuê thăm nhà máy chế biến rau quả của DOVECO tại Gia Lai năm 2019. |
Cuối cùng, việc xây dựng các vùng nguyên liệu hiện nay cần phải gắn với sự vào cuộc, tạo mối liên kết một cách bền vững, chặt chẽ giữa nông dân, HTX với các doanh nghiệp chế biến. Bởi doanh nghiệp đầu tư nhà máy rồi, nhưng không đảm bảo nguyên liệu để chế biến thì vô cùng gay go.
Trong liên kết hiện nay, cũng rất cần chính sách nhằm liên kết các DN trong ngành hồ tiêu, cao su, cà phê tại các tỉnh phía Nam với các DN ngành rau quả. Bởi những năm gần đây, giá cao su, cà phê, hồ tiêu liên tục rớt giá, thoái trào về dịch bệnh, trong khi mỗi ha rau quả nhiều loại cho thu nhập hàng tỉ đồng/năm.
Vì vậy, cần có định hướng linh hoạt cho việc chuyển đổi các diện tích cây công nghiệp kém giá trị, già cỗi, dịch bệnh… sang trồng cây ăn quả. Không nhất thiết phải trồng cây công nghiệp khi giá trị thấp.